Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 30.000 công ty logistics, trong đó có 4.000 công ty giao nhận – logistics quốc tế. Tốc độ phát triển của ngành logistics khoảng từ 12 đến 14%, quy mô thị trường khoảng 40 – 42 tỷ USD.
Điểm nhấn đặc biệt của ngành logistics là các doanh nghiệp chuyển từ cách làm truyền thống sang logistics thương mại điện tử. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự bùng nổ của thương mại điện tử kéo theo sự phát triển vượt bậc của nhiều ngành nghề, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển thương mại điện tử.
Theo bản đồ thương mại điện tử quý 3/2019 của Iprice, Shopee đạt lượt truy cập website đứng đầu, mỗi tháng đạt 34.569.900 lượt; kế đến là Sendo 30.929.800 lượt; Thế giới di động 29.307.200 lượt; Tiki 27.114.500 lượt. Những con số này của từng sàn dao động giảm nhẹ so với 2 quý đầu năm 2019, nhưng tổng số lượt truy cập cho tất cả các sàn thương mại điện tử đang ở mức khá cao.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng kéo theo sự phát triển vượt bậc của nhiều ngành nghề, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển thương mại điện tử. Thị trường chuyển phát trở thành miếng bánh béo bở mà rất nhiều nhà kinh doanh muốn tham gia chia phần. Tuy nhiên đây cũng là ngành cần vốn đầu tư ban đầu khá lớn vì muốn phát triển tốt ngoài công nghệ còn cần có mạng lưới phủ sóng rộng khắp.
Do vậy, việc nhận quyền thương hiệu một mô hình chuyển phát thay vì tự mình xây dựng một thương hiệu, một mô hình riêng biệt sẽ là “nước cờ” thông minh giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí đầu tư ban đầu vì tận dụng được công nghệ, thương hiệu và mạng lưới có sẵn của đơn vị nhượng quyền.
Thị trường béo bở cộng với việc mang lại lợi ích tối ưu khi nhận quyền (tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, gia tăng hiệu quả trong phát triển kinh doanh) đã đem đến sức hút rất lớn cho mô hình nhượng quyền này. Chính bởi thế, ngày càng có nhiều người muốn nhận quyền thương hiệu mô hình chuyển phát, trở thành đại lý giao nhận cho các hãng chuyển phát.
Phương thức nhượng quyền kinh doanh (Franchise) ngày càng nở rộ ở cả mạng lưới của các công ty chuyển phát trong nước và quốc tế.
Từ một đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống hoặc cung cấp dịch vụ địa phương, bằng cách sử dụng hình thức nhượng quyền thương hiệu, các công ty chuyển phát đã “trở mình” và thích nghi với mô hình kinh tế chia sẻ. Thay vì tìm kiếm khách hàng sử dụng dịch vụ tại từng địa phương, họ tập trung phát triển thương hiệu, đầu tư nền tảng công nghệ (website, app…), sau đó bán lại cho các đơn vị khác.
Như vậy, doanh thu chiến lược của công ty chuyển phát sẽ chuyển từ nguồn khách hàng sử dụng dịch vụ vận chuyển toàn thế giới thành số phần trăm doanh thu (hoa hồng) họ nhận được từ các đại lý nhận quyền thương hiệu sau khi họ thực hiện nhượng quyền thành công và phát triển thương hiệu, doanh số toàn hệ thống.
Với những lợi thế nổi bật cùng tiềm năng phát triển của thị trường logistic, xu hướng nhượng quyền trong lĩnh vực chuyển phát nhanh đã nở rộ trên thế giới. Trong đó phải nhắc đến một số cái tên nổi bật như: YTO Express, STO Express, SF Express (Trung Quốc), InExpress (Anh)…
Điển hình, các hãng chuyển phát lớn như ZJC Express, SF Express, STO Express ở Trung Quốc đều trải qua nhiều lần chuyển đổi mô hình, và đa phần đều bắt đầu khởi sắc khi áp dụng phương thức đại lý – nhượng quyền để mở rộng mạng lưới giao hàng.
STO Express chỉ trong vòng 1 năm từ 2009 đến 2010 đã phát triển từ 30 trung tâm chuyển phát lên 50, từ 1800 điểm mạng lưới lên đến 6000. ZJS Express trong lần chuyển đổi mô hình toàn diện năm 2013 ngoài việc tham gia liên kết với sàn thương mại điện tử Taobao cũng đã quyết định áp dụng mô hình nhượng quyền. Trong khi, SF Express mở hơn 1.100 điểm mạng lưới trải dài 20 tỉnh thành và hơn 100 thành phố cũng bằng phương thức nhượng quyền.
Kể từ năm 2019, thị trường dịch vụ vận chuyển thương mại điện tử Việt Nam bắt đầu sôi động và có thêm các tên tuổi nước ngoài như ZTO Express, BEST Express.
Sau hơn một năm triển khai tại thị trường Việt Nam, hiện BEST Express có 7 trung tâm khai thác, hơn 100 bưu cục, một tỉnh có thể có đến 3 đến 20 điểm bưu cục, riêng Hà Nội có đến 20 bưu cục và TP.HCM có đến 26 bưu cục. Mỗi bưu cục, người nhận quyền ngoài nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất ban đầu được BEST tính toán khoảng 500 triệu, thì phải thanh toán thêm các khoản: tiền ký quỹ 200 triệu, phí nhượng quyền 175 triệu.
Theo sau BEST Express, giữa năm 2019 ZTO Express vào Việt Nam và triển khai mô hình nhượng quyền, so với BEST Express thì thành tựu bưu cục của ZTO có vẻ thấp hơn, đến nay cả 3 miền Bắc- Trung – Nam có 12 bưu cục. Mỗi bưu cục, người nhận quyền phải thanh toán cho ZTO 50.000 nhân dân tệ (khoảng 165 triệu) tiền ký quỹ và 10.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu) tiền bảo trì hệ thống cho hợp đồng không thời gian hạn. Tuy nhiên, mỗi bưu cục chỉ được khai thác 1 quận/huyện.
Tại Việt Nam, SuperShip – Biệt đội giao hàng siêu đẳng là một trong rất nhiều “ông lớn” của ngành dịch vụ vận chuyển thương mại điện tử “tiên phong” đón đầu xu hướng nhượng quyền thương hiệu. Chỉ sau một năm thực hiện, từ 2 điểm bưu cục ở Hà Nội và TP.HCM, đến nay SuperShip đã có hơn 128 điểm bưu cục trên toàn quốc.
Nhưng so với hai đối thủ vào sau, thì người tiên phong SuperShip có nhiều lợi thế hơn cả. Đầu tiên là lợi thế của một thương hiệu Việt với sự thấu hiểu rõ hơn thị trường nội địa, “nằm lòng” các bên đối tác ở địa phương họ cần gì và đang thiếu gì.
Thứ hai là chi phí cạnh tranh, để trở thành một bưu cục chịu trách nhiệm ở một huyện ở SuperShip, người nhận quyền cần khoảng 50 triệu để chi trả cho việc mua thương hiệu chuyển giao công nghệ và ký quỹ (thời hạn hợp đồng 3 năm); cần thêm khoảng 50 triệu để đầu tư cơ sở vật chất ban đầu.
Tính toán thì ở mặt bằng chung, chi phí để trở thành điểm bưu cục của SuperShip được đánh giá là khá thấp. Nếu người nhận quyền biết tận dụng mặt bằng và nhân lực sẵn có tại chính nơi mình sinh sống, biết áp dụng hệ thống phần mềm quản lý để tiết kiệm chi phí, biết khai thác triệt để tiềm năng thị trường, thì trở thành điểm bưu cục của SuperShip được xem là phương án đầu tư khá an toàn nhưng tiềm năng.
Là một trong những đối tác nhận nhượng quyền hiệu SuperShip tại tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Sỹ Văn, Giám đốc công ty TNHH SuperShip Thanh Hóa cho biết, sau một năm nhận quyền thương hiệu SuperShip, doanh nghiệp này không những đã thu hồi vốn, mà còn có lợi nhuận ổn định và tăng trưởng hàng tháng, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động địa phương.
“Ngoài lợi nhuận, những giá trị từ vai trò người khởi nghiệp và được đóng góp cho quê hương là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất”, ông Lê Sỹ Văn bày tỏ và nhận định: “Thị trường chuyển phát hứa hẹn là miếng bánh béo bở, cộng thêm những lợi thế rất lớn trong việc triển khai với hình thức nhượng quyền thương hiệu, đây chắc chắn là cơ hội khởi nghiệp an toàn và đầy tiềm năng”.
Chia sẻ rõ hơn về mô hình kinh doanh chuyển nhượng đang hot này, ông Lê Thanh Hoài, CEO&Founder SuperShip cho biết, SuperShip nhận thấy điểm mạnh cộng hưởng của sự kết hợp giữa dịch vụ vận chuyển thương mại điện tử và mô hình nhượng quyền thương hiệu nên đã tiên phong thực hiện.
Cũng theo ông Hoài, điểm cộng hưởng mà anh nói ở đây, chính là chi phí mà khách hàng phải trả để sử dụng dịch vụ vận chuyển đơn hàng liên tỉnh (là doanh thu tổng) sẽ được chia đều ra cho nhiều đơn vị liên quan đến quá trình giao hàng (đơn vị lấy hàng về kho, đơn vị giao hàng cho khách, đơn vị trung chuyển), chứ không thuộc 100% của một đơn vị.
Điều này có nghĩa là một đơn vị phát triển được khách hàng, thì sẽ mang lại doanh thu cho toàn hệ thống, như vậy nếu có 128 bưu cục, mỗi bưu cục phát triển doanh số, khách hàng tốt hơn “một chút” thì đồng nghĩa với SuperShip phát triển hơn “nhiều chút – có thể ví von 128 chút”.
Ông Lê Thanh Hoài cũng cho biết thêm, cũng chính nhờ điểm cộng hưởng trên, nhờ đặc điểm mô hình có sự phân chia doanh thu cho từng đơn vị tham gia vào việc giao thành công một đơn hàng như trên mà SuperShip có thể tận dụng để thực hiện các chiến lược thúc đẩy doanh số. Nghĩa là tùy vào tình hình thị trường và sự phát triển của toàn hệ thống mà điều chỉnh tỷ trọng này cho phù hợp, một chiến lược tăng nhẹ tỷ trọng chia doanh thu cho đơn vị lấy hàng cũng đủ để đẩy mạnh việc phát triển doanh số và tăng doanh thu cho toàn hệ thống.
Được biết chiến lược tăng tỷ trọng cho đơn vị lấy này đang được đẩy mạnh thực hiện trong hệ thống SuperShip dịp cuối năm nhằm đón đầu thị trường thương mại điện tử mùa Tết và thúc đẩy doanh số toàn hệ thống.
Hiện tại ngoài 128 điểm bưu cục đã mở, còn có hơn 30 bưu cục chờ mở và đội ngũ phát triển thị trường hàng ngày đàm phán hợp đồng để tiếp tục triển khai bưu cục mới. Theo khảo sát thị trường và mục tiêu phát triển của anh Lê Thanh Hoài, SuperShip đang nỗ lực để đưa con số 128 điểm bưu cục hiện tại lên hơn 500 điểm bưu cục vào tháng 6 năm 2020.
Startup – “Khởi nghiệp” là một từ được nhắc nhiều trong cộng đồng, xã hội hiện nay đặc biệt là thanh niên. Nhu cầu làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên gia tăng mạnh mẽ.
Với nhu cầu như vậy có thể dễ hiểu khi Việt Nam liên tục dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp và đứng đầu về thái độ tích cực đối với tiềm lực của bản thân. Cụ thể, có đến 92% người tại Việt Nam được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp như là nghề nghiệp đáng ao ước. Trong đó, có đến 88% người trả lời sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi bắt đầu hoạt động startup trong khi chỉ số trung bình của thế giới chỉ ở mức 47%.
Thấu hiểu và chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp, SuperShip đã mang đến cơ hội khởi nghiệp an toàn hơn cho các startup trẻ. Các bạn trẻ chỉ cần đầu tư 100 triệu là có ngay cơ hội mở điểm giao nhận tại địa phương và hòa chung với hệ thống của SuperShip, trong đó có 50 triệu để chi trả cho việc mua thương hiệu, chuyển giao công nghệ và ký quỹ, cần thêm khoảng 50 triệu để đầu tư cơ sở vật chất ban đầu.
Khi trở thành điểm giao nhận của SuperShip người nhận quyền sẽ được quyền khai thác khách hàng tại khu vực mua nhượng quyền, đồng thời người nhận quyền được giao cho xử lý (giao hàng) tất cả các đơn hàng phát sinh trên hệ thống SuperShip có địa chỉ giao hàng tại khu vực mua nhượng quyền.
Nhờ đó, tận dụng được mặt bằng và nhân lực sẵn có tại chính nơi mình sinh sống, với số vốn ban đầu không cao, sử dụng được hệ thống phần mềm quản lý sẵn có,…chính những yếu tố này đã giúp cho mô hình nhượng quyền thương hiệu SuperShip nở rộ trong thời gian gần đây.
Sớm tìm hiểu và hợp tác với SuperShip, Nguyễn Thái (SuperShip Ninh Bình) chia sẻ, SuperShip Ninh Bình nhận mô hình nhượng quyền với SuperShip Việt Nam ngày 03/01/2019. Hiểu đúng tâm thế và định hướng của SuperShip Việt Nam, SuperShip Ninh Bình đã khai thác hiệu quả các shop bán hàng tại tỉnh và tới thời điểm hiện tại đã có 906 khách hàng đang sử dụng dịch vụ và đánh giá khách hàng sử dụng dịch vụ giao hàng của SuperShip Ninh Bình tới thời điểm hiện tại là rất hài lòng.
“Tôi phải thực hiện rất nhiều, rất nhiều mục tiêu nhỏ nhoi mà không ai thấy hay động viên trước khi đạt được thành quả đáng giá. “SuperShip” là cả một chặng đường dài nỗ lực mới có được thành công như hôm nay”, Nguyễn Thái bộc bạch.
Cảm nhận được sự thay đổi tại các địa phương mà SuperShip đã đi đến, ông Lê Thanh Hoài – CEO&Founder SuperShip luôn tự nhủ sẽ cố gắng trở thành một đơn vị giao nhận, chuyển phát hàng đầu tại Việt Nam.
“Với những lợi thế về công nghệ và mô hình kinh doanh, hợp tác nhượng quyền. Chúng tôi đã kết nối hàng trăm người trẻ tài năng, khởi nghiệp và dựng nghiệp cùng SuperShip trên toàn quốc. Trong tâm thế tràn đầy nhiệt huyết, chúng tôi không ngừng nỗ lực mỗi ngày để chinh phục thị trường và đem lại cho khách hàng dịch vụ giao hàng với chất lượng tốt nhất”, ông Hoài đặt ra mục tiêu.
Theo Thu Phương – Báo Đầu Tư
Các báo khác cũng đưa tin tương tự:
https://doanhnhansaigon.vn/chuyen-lam-an/suc-nong-moi-tu-nhuong-quyen-logistics-1096454.html
CEO SuperShip Lê Thanh Hoài: “Nỗ lực trở thành đơn vị giao nhận, chuyển phát hàng đầu tại Việt Nam”
https://thegioitieudung24h.net/supership-ket-noi-hang-ngan-nguoi-tre-tai-nang-cung-nhau-khoi-nghiep
SuperShip – cơ hội đầu tư thông minh cho người trẻ đam mê khởi nghiệp
https://doanhnghiepphattrien.vn/supership-co-hoi-khoi-nghiep-an-toan-hon-cho-cac-startup-tre